top of page
Ảnh của tác giảmakemorplus

#1: Bí mật trong lời thì thầm của ánh sáng

Bạn đã bao giờ tự hỏi, thế nào là đủ sáng cho ngôi nhà của mình hay chưa? Liệu rằng, căn phòng cứ phải có nhiều đèn, sáng tỏ mọi ngóc ngách là tốt? Câu trả lời thật ra thú vị hơn nhiều. “Đủ sáng” không chỉ đơn giản là nhìn rõ mọi vật, mà còn là một nghệ thuật sắp đặt ánh sáng để tạo nên không gian sống trong mơ, nơi bạn tìm về bình yên và nạp lại năng lượng sau một ngày dài mệt mỏi.

Những nội dung trong bài viết này có thể bạn đã từng nghe qua đâu đó rồi, nhưng mình tin rằng không có bài viết nào khác thể hiện đầy đủ câu chuyện tổng quát về ánh sáng như bài viết này. Hãy cùng mình đi khám phá các bí mật về ánh sáng ẩn giấu lâu nay nhé.

Thực ra, đủ sáng không phải là một khái niệm mơ hồ, cảm tính. Độ sáng hoàn toàn có thể được đo lường cụ thể bằng một đơn vị gọi là Lux. Lux cho biết chính xác lượng ánh sáng bạn cần trên bề mặt bạn sử dụng bao nhiêu là đủ. Hiểu nôm na, ánh sáng trên mặt bàn nơi bạn làm việc không chỉ là ánh sáng từ chiếc đèn bàn, mà còn là ánh sáng tán xạ từ những nguồn sáng xung quanh đó. Bởi thế mọi người hay nhầm lẫn độ sáng với cường độ sáng của đèn, đôi khi là công suất của bóng đèn. Giờ thì bạn có thể thay đổi dần cách hiểu về ánh sáng rồi đó.

Có nhiều quy chuẩn về Lux, trong các môi trường làm việc khác nhau, kể cả trong ngôi nhà của bạn, phòng khách hay gian bếp hay phòng ngủ, thông số Lux cũng đều khác nhau, nguyên nhân từ nhu cầu sử dụng quyết định bạn cần độ sáng đến mức nào. Bởi thế, kiến trúc sư luôn cố gắng tìm hiểu chính xác nhu cầu sử dụng, cách bạn sinh hoạt thường nhật, để đề xuất những độ sáng phù hợp cho từng không gian cụ thể.


thông số lux nội thất

Minh họa thông số Lux cho bạn dễ hình dung về độ sáng thường thấy trong các môi trường. Ảnh: gcell.com



Thế giới của của ánh sáng nội thất được vận hành quanh ba nhân vật chính: Đầu tiên là Ambient lighting, mình hay gọi là chiếu sáng chung. Đây là ánh sáng có góc chiếu rộng, đôi khi phủ kín không gian, tạo cảm giác rộng rãi và dễ chịu. Thứ hai, là Task lighting, có thể gọi là chiếu sáng tập trung. Loại ánh sáng này thường có góc chiếu hẹp hơn chiếu sáng chung, thường tập trung vào một khu vực cụ thể để thuận tiện cho người dùng thao tác, hoạt động (như đọc sách, nấu ăn, trang điểm,…). Thứ ba là Accent lighting, chiếu sáng điểm nhấn. Loại này có góc chiếu hẹp nhất trong ba loại chiếu sáng, thường tập trung chiếu vào một vật cụ thể, tăng cường độ chi tiết, màu sắc để nổi bật vật thể được chiếu sáng. Cả ba loại chiếu sáng này luôn được kết hợp với nhau một cách linh động, tạo nên các lớp lang ánh sáng vừa tăng cường chiều sâu cho không gian, vừa đảm bảo đủ lượng ánh sáng bạn cần.


3 loại ánh sáng ambient lighting, task lighting, accent lighting

Minh họa 3 loại ánh sáng: Ánh sáng chung (màu vàng), ánh sáng tập trung (màu cam), ánh sáng điểm nhấn (màu hồng). Ảnh: bhg.com



Vậy là nôm na, chúng ta hiểu được ngôn ngữ của ánh sáng để có thể lắng nghe được cách ánh sáng xuất hiện trong nhà của mình thế nào rồi.

Hãy tưởng tượng, khi bạn bước vào phòng khách, ánh sáng chung dịu nhẹ chào đón bạn trở về sau một ngày dài. Bức tranh yêu thích của bạn bổng trở nên sống động dưới ánh sáng điểm nhấn. Góc sofa êm ái được bao bọc trong vầng sáng tập trung ấm áp, mời gọi bạn ngã lưng. Khi cần, bạn hoàn toàn có thể gia giảm độ sáng của các nguồn sáng này bằng thứ gọi là dimmer, hiểu nôm na như một “cây đũa thần” để bạn có thể thay đổi nhanh chóng trạng thái ánh sáng trong không gian của mình, từ ánh sáng để đọc sách trên sofa, thành ánh sáng để trò chuyện cùng mọi người quanh sofa.

Trong phòng bếp, ánh sáng chung lan tỏa khắp không gian để bạn có thể dễ dàng quan sát mọi thứ. Bề mặt bếp nấu được chiếu sáng rõ ràng bằng nguồn sáng tập trung, giúp bạn an tâm rằng mình sẽ không nhầm giữa đường và muối. Và khi bữa tối được bày biện ra bàn, ánh sáng tập trung từ đèn thả chiếu bàn, làm tôn lên hương vị màu sắc của từng món ăn, như thể bữa tối được soạn ra từ một nhà hàng fine dinning 5 sao. Trên hết, ánh sáng giúp mọi người tập trung hơn vào bàn ăn, tạo ra bầu không khí ấm cúng, xum vầy.

Phòng ngủ là nơi ánh sáng “thì thầm” những lời ru êm dịu. Ánh sáng chung nhẹ nhàng bao trùm cả không gian, giúp bạn tìm lại sự bình yên nhất sau một ngày dài. Góc đọc sách được chiếu sáng vừa đủ, tạo sự tập trung mà không gây mỏi mắt. Và khi bạn chìm vào giấc ngủ, ánh sáng dimmer tự động mờ dần, nhường chỗ cho bóng tối êm ái.

Như vậy, ánh sáng không chỉ đơn thuần là để nhìn thấy, mà còn là một “người kể chuyện” tài ba, biến hóa linh hoạt theo từng khoảnh khắc, từng cảm xúc của bạn. Và đó chính là lý do tại sao, ánh sáng có thể thay đổi tâm trạng của bạn một cách diệu kỳ. Hãy tiếp tục cùng mình khám phá câu chuyện tiếp theo của ánh sáng, để hiểu rõ hơn về cách mà ánh sáng tác động đến cảm xúc chúng ta như thế nào.

Giống như một họa sĩ sử dụng màu sắc để vẽ nên bức tranh, kiến trúc sư lựa chọn màu sắc ánh sáng để thiết kế bầu không khí cảm xúc cho từng không gian.

Ánh sáng vàng ấm áp (2700-3500K) gợi lên sự ấm cúng, thư giãn và gần gũi, do đó, ánh sáng vàng ấm áp thường được sử dụng hầu hết trong các không gian dành cho việc thư giãn, nghỉ ngơi như phòng khách, phòng ngủ.

Ánh sáng vàng trung tính (3500-4500K) mang đến sự tập trung vừa phải, ánh sáng vàng trung tính là lựa chọn lý tưởng cho không gian làm việc tại nhà, phòng đọc sách, phòng bếp ăn. Nó tạo cảm giác thoải mái, vừa đủ để bạn tập trung làm việc, học tập hoặc nấu ăn mà không gây căng thẳng, mệt mỏi.

Ánh sáng trắng (4500-6500K) thích hợp cho không gian cần sự tập trung cao độ như văn phòng, ánh sáng trắng tạo cảm giác tỉnh táo, năng động, tăng cường sự tập trung tối đa. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên lạm dụng ánh sáng trắng vì có thể gây căng thẳng khi tiếp xúc trong thời gian dài.

Ánh sáng màu (đỏ, lục, lam, tím...) thường được sử dụng để tạo điểm nhấn, tăng tính thẩm mỹ cho không gian hoặc tạo hiệu ứng đặc biệt trong các dịp lễ hội, sự kiện. Đây là nhóm ánh sáng tăng cường kích thích thị giác và cảm xúc trong thời gian ngắn, bởi thế loại ánh sáng này không được ưu tiên sử dụng trong nhà ở thường xuyên, trừ khi bạn có những nhu cầu đặc biệt cần tới chúng.


nhiệt độ màu theo ánh sáng hàng ngày

Minh họa nhiệt độ màu của ánh sáng trắng theo thời gian trong ngày và các hoạt động đi kèm. Ảnh: arch2o.com



Để tránh việc hiểu lầm về nhiệt độ màu của ánh sáng, mình sẽ làm rõ một số ý ở đây. Nhiệt độ màu (hay còn gọi là độ Kenvin, gọi tắt là độ K), là thang đo màu sắc của ánh sáng từ ánh sáng cam (hay còn biết đến là ánh sáng bóng đèn dây tóc) đến ánh sáng trắng (gần như là ánh sáng của đèn huỳnh quang trắng). Nhiệt độ màu không quyết định đến độ sáng của ánh sáng, đôi khi mắt của ta gây nhầm lẫn ánh sáng trắng hơn thì sáng hơn, bởi lẽ mắt người khá nhạy cảm với nguồn ánh sáng trắng nên mới gây ra hiện tượng trên. Ngoài ra, nhiệt độ màu cũng không quyết định đến sự sai khác về màu sắc của vật thể, đặc biệt là nhóm màu đỏ. Chuyên ngành gọi chỉ số này là chỉ số hoàn màu. Chỉ số này được quyết định đa phần bởi công nghệ sản xuất đèn, khi cố gắng tái tạo lại ánh sáng có độ hoàn màu tuyệt đối, tương đương với ánh sáng mặt trời.

Đấy mới thấy, hiểu rõ bản chất của ánh sáng, giống như việc ta hiểu rõ chính mình vậy. Nó là chìa khóa để ta điều khiển được cảm xúc trong không gian sống, khơi gợi những xúc cảm tích cực và loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, bản thân không mong muốn.

Ánh sáng tạo ra sự chào đón bằng cách chiếu lên các bề mặt vật liệu, làm nổi bật tính chất đặc trưng của vật liệu, khơi gợi các giá trị bản chất của vật dụng được chiếu sáng. Điều này liên quan gì đến chào đón? Khi những vị khách bước qua cửa nhà bạn, trước mặt khách là bức tranh sơn mài được chiếu sáng bằng ánh sáng điểm nhấn. Ánh sáng bộc lộ chi tiết từng lớp sơn, lớp khảm trên bức tranh một cách sống động, thể hiện rõ tinh thần và gu thẩm mỹ của bạn cũng như thông điệp bạn muốn truyền tải. Chẳng phải đó chính là lời chào đầu tiên của bạn đối với những vị khách bạn đang tiếp đón hay sao. Khi ấy, ánh sáng đã thay bạn làm một người quản gia, tiếp đón khách bằng một cảm giác niềm nở, chào mời.


chất lượng ánh sáng thể hiện chi tiết bức tranh

Với nguồn sáng tốt, được chọn lựa cẩn thận, chất liệu và chi tiết bức tranh được thể hiện trọn vẹn. Ảnh: juniperdesign.com


Một trong những tính chất của ánh sáng là tính định hướng, dựa trên điều này bạn có thể tạo ra những kịch bản sử dụng ánh sáng để dẫn dắt bản thân thực hiện theo những kế hoạch sinh hoạt được lập sẵn. Khi bạn bước về nhà, chào đón bạn là ánh sáng từ bức tranh bạn thích, rồi đến chiếc sofa quen thuộc. Sau một lúc, ánh sáng từ  không gian bếp được sáng lên một phần, để bạn có thể lấy đồ ăn trong tủ lạnh đem rã đông, trong khi bạn đi thay đồ và tắm rửa trước khi quay trở lại bếp chuẩn bị cho bữa tối,… cứ thế, lịch sinh hoạt của bạn có thể được nhắc nhở thực hiện theo kế hoạch bạn đã lập sẵn. Ở đây, ánh sáng không nhất thiết phải chiếu sáng cả một không gian. Đơn giản hơn, ánh sáng chỉ cần được chiếu đúng nơi như một sự gợi nhắc tinh tế.

Ánh sáng tạo ra khoảng không riêng tư, nơi chỉ có bạn và sự bình yên. Khi ấy, vùng chiếu sáng có thể được xác định như một vùng không gian được giới hạn, một nơi riêng tư dành cho bạn, tách biệt với môi trường xung quanh. Lúc này, sự tương phản giữa ánh sáng và môi trường xung quanh, càng làm rõ ràng hơn tính riêng tư và thời gian bạn muốn ở trong không gian ấy.


tương phản của ánh sáng môi trường

Sự tương phản của ánh sáng với môi trường, càng làm rõ nét tính riêng tư và kịch tính của không gian bạn muốn tạo dựng. Ảnh: pinterest.com


Trên giường vợ bạn đang ngủ kề bên, bạn còn bản báo cáo đang đọc dở, và bạn không muốn làm phiền giấc ngủ vợ mình. Khi ấy chiếc đèn ngủ nhỏ ở tab đầu giường tạo ra một vùng sáng vừa đủ cho bạn có thể đọc bản báo cáo, mặt khác vùng sáng này cũng chính là không gian riêng tư bạn đang sở hữu ngay lúc này trong phòng ngủ, trong không gian nhỏ này, bạn hoàn toàn tập trung vào công việc của mình và không bị ảnh hưởng bởi cái trở mình của vợ bên cạnh.


Vùng riêng tư do ánh sáng tạo ra, đôi khi được biến thể mở rộng, để tiếp đón gia đình hoặc những người thân thiết bên bạn. Vùng sáng này được bổ trợ thêm những nguồn sáng phụ, tạo dựng bối cảnh xung quanh, tạo ra chiều sâu cho không gian, quyết định nhiều đến mục đích sự kết nối mà bạn đang muốn tạo dựng. Sự lãng mạn, sự ấm cúng hoặc sự kịch tính, những điều này được ánh sáng bối cảnh tạo dựng nên. Nguồn sáng chính, vẫn là nguồn sáng tạo ra không gian kéo bạn và người thân gần nhau hơn. Với độ sáng vừa đủ để quan sát cảm xúc trên gương mặt của nhau; độ hoàn màu đủ tốt để nổi bật màu sắc các món ăn hoặc món quà bạn gửi tặng cho người thân mình. Từng nguồn sáng, đóng một vai trò cụ thể và bạn yên tâm rằng, bạn hoàn toàn có thể lên kế hoạch và kiểm soát tất cả những điều này.


ánh sáng trong chữa lành, thiền
Ánh sáng có thể được tạo hình, tạo dựng không gian khơi gợi sự điềm tĩnh và chữa lành. Ảnh: pinterest.com

Ánh sáng không chỉ dừng lại ở việc tạo ra không gian riêng tư, ánh sáng còn mang đến sự điềm tĩnh và chiêm nghiệm cho bản thân. Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại tại các thành phố lớn diễn ra hối hả, việc đón nhận cảm xúc tiêu cực là điều bản thân khó tránh khỏi, nên việc có một không gian thiền định, một nơi để bản thân có thể tập trung tối đa cho việc buông lỏng cơ thể và thư giãn trong nhà ở, trở thành một nhu cầu phổ biến hiện nay. Lúc này, với một không gian hạn chế, hình dạng của ánh sáng, tạo ra sự gợi mở, như một cánh cổng kết nối tâm trí bạn với những chỉ dẫn bạn mong chờ. Có thể hiểu rằng, lúc này tâm trí bạn được ánh sáng dẫn dắt, để lại trong bóng tối là bản thể hữu hình. Những cảm xúc tiêu cực, cứ thế mà được giải tỏa, tiêu biến dần.


Bên cạnh những điểm tích cực của ánh sáng tác động tới cảm xúc bản thân, ánh sáng còn có thể gây nguy hiểm đến bạn nếu bị lạm dụng thời gian dài hoặc sử dụng sai cách. Sự căng thẳng, những cơn tức giận ngày càng dễ bộc phát, là những dấu hiệu cho thấy ánh sáng bạn sử dụng hàng ngày đang gặp vấn đề. Bạn hãy nghĩ lại xem, có phải từ khi mở mắt đón bình minh là lúc bản thân bạn bắt đầu tập trung tiếp nhận thông tin. Một ngày dài tại công sở, với cường độ ánh sáng duy trì ở mức cao, ánh sáng tiếp nhận đa phần là ánh sáng trắng, và bản thân luôn trong sự tập trung cao độ. Khi về nhà, ánh sáng luôn xuất hiện ở mọi nơi với cường độ có thể giảm hơn đôi chút, bạn có thể nghĩ rằng mình đang được nghỉ ngơi, nhưng không, cơ thể bạn đang bị kéo dài sự tập trung và tâm trí vẫn đang vận hành cường độ cao, do sự kích thích từ ánh sáng. Những cảm xúc tiêu cực cứ thế mà được giữ lại, tích lũy; lâu ngày những cảm xúc tức giận, dễ dàng nóng nảy sẽ xuất hiện với cường độ nhiều hơn và dễ dàng bộc phát hơn.

Vậy ánh sáng tối đi, không gian ít ánh sáng hơn liệu rằng có tốt hơn? Mình có thể khẳng định là không. Bởi ánh sáng yếu, nghĩa là không gian sống của bạn đang thiếu sáng. Ngoài việc hạn chế các hoạt động sinh hoạt diễn ra, thời gian lâu dần, bản thân bạn dễ trở nên trầm cảm, mệt mỏi khi sống trong môi trường thiếu sức sống và không linh hoạt. Không gian tốt, vẫn là không gian được cung cấp đủ ánh sáng cho từng hoạt động cụ thể. Lượng ánh sáng bạn tiếp nhận vì thế mà cũng liên tục có sự gia giảm, tạo cơ hội cho thị giác và não bộ được nghỉ ngơi.

Bởi thế, ánh sáng ngày nay, không chỉ là một công tắc bật và tắc. Ánh sáng hoàn toàn có thể được tùy biến linh hoạt theo nhu cầu và lịch sinh hoạt của bạn. Thủ thuật bố trí ánh sáng, hay kỹ thuật của các thiết bị chỉ là một phần rất nhỏ, yếu tố chính đến từ sự hiểu rõ nhu cầu bản thân của bạn và sự chia sẻ đồng hành với kiến trúc sư. Đơn giản hơn, bạn hãy cứ nói điều bạn mong muốn, tưởng tượng và chờ đợi kết quả kiến trúc sư mang đến cho bạn, mình tin rằng bạn sẽ không phải thất vọng khi đồng hành cùng với những chuyên gia trong lĩnh vực của họ.


Ánh sáng nội thất tác động đến ta nhiều vậy, nhưng liệu rằng ánh sáng chỉ cần xuất hiện vào ban đêm, khi ánh sáng mặt trời tắt đi hay chăng? Điều ấy có lẽ đúng một phần, nhưng không hoàn toàn đúng trong bối cảnh cuộc sống ngày nay. Bởi lẽ, tiết kiệm điện luôn là điều cần thiết dù ở thời đại nào đi chăng nữa, nhưng cuộc sống ngày nay với công nghệ chiếu sáng hiện đại hơn và nhu cầu hoạt động trong nhà vào ban ngày cũng nhiều hơn, thì ánh sáng nội thất đồng hành cùng với ta như một điều tất yếu.


ánh sáng nội thất ban ngày

Ánh sáng nội thất hỗ trợ cho ánh sáng tự nhiên, tạo điểm nhấn, tăng độ cuốn hút cho không gian. Ảnh: Joyce Wang



Đối với ánh sáng ban ngày, mình sẽ làm rõ có hai khái niệm thường bị nhầm lẫn là ánh sáng tự nhiên và ánh sáng mặt trời. Mình thường dùng từ “ánh sáng tự nhiên” để khái quát hơn, bao gồm ánh sáng mặt trời là nguồn sáng chính vào ban ngày và ánh sáng tán xạ từ môi trường xung quanh. Nên đôi khi bạn thấy nhà mình khá sáng sủa, mặc dù không có bất kì tia nắng nào đi vào, đó là ánh sáng tán xạ bạn nhận được từ các vật thể, môi trường xung quanh tác động vào.


Ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng mặt trời, thì ai cũng biết có lợi thế nào đến sức khỏe con người rồi, ở đây mình sẽ chỉ nói về những điều hạn chế thôi nhé. Cái mà bạn dễ nhận biết nhất là ánh sáng tự nhiên không thể điều khiển được. Chỉ có thể dự đoán, tính toán dựa trên nhiều yếu tố như vị trí địa lý, bối cảnh xung quanh nhà, hướng nhà, cấu trúc không gian trong nhà, khí hậu, biểu đồ mặt trời,… Có quá nhiều biến số có thể tác động, ảnh hưởng đến ánh sáng tự nhiên đi vào trong nhà. Nên đôi khi nhà bạn nhận nhiều ánh sáng hơn mức bạn cần hoặc tệ hơn nhà bạn chẳng đón được bao nhiêu ánh sáng tự nhiên cả.


Trong thiết kế, mình luôn muốn tạo ra cơ hội, để đón nhiều ánh sáng tự nhiên nhất, nhưng hạn chế tối đa ánh sáng mặt trời. Bạn nghe thấy hơi lạ đúng không? Sự thật thì khá đơn giản, vì ánh sáng mặt trời thường đi kèm với nắng, mà có nắng thì sẽ kèm với nóng, mà không gian bị nóng nghĩa là mình sẽ tốn thêm năng lượng để làm mát, điều này sẽ gây ra sự tốn kém lâu dài trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, vật liệu nội thất thường không bền khi có nắng trực tiếp chiếu vào. Bởi các yếu tố bất lợi trên, mình thường tạo ra các khoảng không gian riêng dành cho nắng, để chủ nhà có thể sử dụng nắng như một nguồn năng lượng hữu ích.


Thật ra, trong thiết kế có rất nhiều cách để xử lý vấn đề về nắng và ánh sáng tự nhiên. Cách mình thường chọn là ưu tiên ánh sáng tự nhiên và sử dụng ánh sáng nhân tạo như một công cụ hỗ trợ nguồn sáng ban ngày. Bởi dù gì, sự xuất hiện của ánh sáng nhân tạo trong không gian là thứ có thể kiểm soát và sắp đặt theo nhu cầu một cách dễ dàng. Điều này bù lại những khuyết điểm mà ánh sáng tự nhiên không thể đáp ứng được.


Thế giới ta đang sống đã bước qua Covid 19, và đang trải qua các sự kiện khủng hoảng hậu Covid. Những sự kiện này làm thay đổi cách mà chúng ta làm việc mỗi ngày, từ bị buộc phải làm việc ở nhà đến việc chúng ta tìm thấy nhiều thấy nhiều cơ hội hơn khi làm việc ở nhà. Điều ấy làm cho thời gian ở nhà của chúng ta tăng nhiều lên, vô tình biến ngôi nhà không còn là nơi ta “trú ngụ” vào cuối ngày, mà giờ là nơi tạo ra sự cân bằng với nhiều chức năng hơn: vừa là nơi để ở, vừa là nơi để làm việc, vừa là nơi để giải trí,… Bởi thế, tính linh động của không gian, sự thích nghi giữa bối cảnh và nhu cầu của bản thân, theo mình nghĩ đó là những điều tất yếu với nhà ở trong thời đại này. Do đó, ánh sáng nội thất là một công cụ đủ tốt, có thể tùy biến linh động với nhiều nhu cầu đặc thù trong một không gian hạn chế với chi phí hợp lý.


Không gian nhà ở khi được kết hợp với không gian làm việc, thì những ngọn đèn có thể linh động tùy biến theo nhu cầu. Ảnh: The brain - Tom Kundig



Khi bạn đọc đến đây, có lẽ bạn đang dần nhận thấy ánh sáng nội thất dường như gắn chặt với không gian nội thất, như một phần tất yếu đúng không? Nếu bạn thấy thế thì mình sẽ rất vui, vì câu chuyện mình kể đang hướng tới thông điệp này, một thông điệp khá đơn giản, nhưng bởi vì đơn giản nên thường bị bỏ qua. Ánh sáng và cả thứ tạo ra nó – những chiếc đèn, là một phần không thể tách rời của nội thất.


Tại sao mình lại nói rằng, thông điệp này thường bị bỏ qua. Bởi ai làm nhà, làm nội thất cũng đều biết cần phải làm ánh sáng nội thất, rồi chỉ dừng lại ở đó. Khi ấy, đèn chỉ là công cụ, hoặc đơn giản là thiết bị để cung cấp ánh sáng. Chỉ cần những chiếc đèn có thiết kế dễ nhìn thì chúng có quyền được xuất hiện, còn không thì sẽ bị giấu đi, miễn cung cấp “đủ” ánh sáng cần có là được. Những chiếc đèn có lẽ đã bị đối xử bất công như thế một thời gian dài. Có thể có rất nhiều lý do để biện hộ, như chi phí cao, hạn chế về mẫu đèn,… Nhưng theo mình, với năng lực thì kiến trúc sư hoàn toàn có thể làm chủ được vấn đề với các giải pháp thiết kế phù hợp.


Đầu tiên, hãy thử nhìn lên trần nhà bạn nhé, bạn có đang thấy chiếc đèn nào được gắn lên trần hay không? Nếu có, bạn thấy được bao nhiêu chiếc đang được gắn trên đấy? Có chiếc đèn nào đang được giấu đi không? Mình nghĩ, nếu bạn đang ở Việt Nam thì chắc rằng bạn cũng sẽ thấy có vào chiếc đèn đang được bắt âm trần, đôi khi là chiếc đèn led dây được giấu trong các rãnh trần.


Tiếp theo nhé, mỗi ngày khi bước vào phòng, hoặc sinh hoạt trong phòng, bạn có hay chủ đích nhìn lên trần hay không? Mình đoán đa phần là không, một phần bởi cấu tạo mắt người, khi nhìn thẳng, vùng thấy bên trên luôn nhỏ hơn vùng thấy bên dưới một góc khoảng 10-15º. Khi ấy, bạn thử nghĩ về việc đầu tư cho những thứ gắn trên trần, liệu rằng có thật sự cần thiết hay không? Nhưng cũng không có nghĩa những thứ gắn lên trần có thể làm sơ sài thiếu thẩm mỹ. Vậy giải pháp đơn giản nhất có khi là chẳng làm gì cả. Bạn có thể thấy khó hiểu khi nghe điều này, nhưng đó là giải pháp mình thường đề xuất trong các thiết kế của mình. Vì đèn gắn vào trần đâu phải là giải pháp duy nhất để chiếu sáng.


trần không có đèn
Trần có thể được thiết kế tối giản nhất, vừa tiết giảm chi phí vừa tạo cơ hội để đầu tư vào các yếu tố khác có giá trị hơn trong tầm mắt. Ảnh: Buyi Studio

Thay vì phải đau đầu khi những chiếc đèn gắn trần quá nhiều, làm vụn vỡ cả mảng trần, rồi cố gắng tìm giải pháp tạo hình cho trần để phù hợp với đèn, để rồi lãng phí khi chẳng mấy lần nhìn lên trần, và thật tệ nếu có lúc nào đó bạn không đủ khỏe để leo cao thay chiếc bóng đèn bị cháy. Bạn có thể làm mọi thứ đơn giản hơn bằng cách xem những chiếc đèn như những vật dụng nội thất, cấu thành nên không gian bạn đang sống: Một vật trang trí góc sàn; một món đồ trang trí trên kệ sách; gắn lên tường để lấp vào khoảng trống thay vì bố trí một bức tranh; hoặc là treo giữa phòng như một tác phẩm nghệ thuật được sắp đặt có chủ đích. Bạn có rất nhiều cách để biến chiếc đèn thành một phần của không gian, ngoài việc chiếu sáng, còn thể hiện cá tính và dấu ấn cá nhân của bạn trong chính ngôi nhà bạn tạo dựng.



Nếu những cách bố trí trên làm bạn cảm thấy chưa đủ sáng và bạn muốn có thêm điểm nhấn thì bạn có thể kết hợp đèn vào các vật dụng nội thất nội thất có sẵn, tủ tivi, tủ console, bậc thềm, lối đi… Hãy lưu ý giúp mình, dù bạn có chọn cách nào để bố trí đèn, thì bạn hãy trả lời về mục đích của chiếc đèn đó nhé, đó là cách bạn kiểm soát tính hiệu quả của ánh sáng mà bạn tạo dựng.


Việc loại bỏ những chiếc đèn trên trần, không đồng nghĩa với việc phủ định giá trị chiếu sáng mà chiếc đèn này mang lại, bởi đôi khi sự xuất hiện của một hai chiếc đèn sẽ là một điểm nhấn xinh xắn khi được đặt đúng chỗ. Bởi thế, thiết kế tốt luôn là một thiết kế được cân nhắc cẩn thận, tiết chế vừa đủ các yếu tố để tạo dựng một không gian phù hợp đi kèm với một chi phí hợp lý.


Khi bạn đã xem chiếc đèn như một vật dụng nội thất thiết yếu trong nhà, khi ấy giới hạn của chiếc đèn không còn phụ thuộc vào mẫu mã trên thị trường. Những chiếc đèn hoàn toàn có thể tùy biến để phù hợp với thiết kế, phong cách, hoặc là chất liệu chủ đạo của không gian. Khi này, những chiếc đèn sẽ mang đậm dấu ấn cá nhân của bạn, đôi khi là chỉ mình bạn sở hữu. Đến đây, có lẽ bạn sẽ quan ngại chi phí sẽ cao đúng không? Mình không phủ nhận chi phí có thể sẽ tăng, nhưng không phải là một giá trị cao quá đáng mà sẽ là một giá trị hợp lý để bạn chấp nhận.


Hãy cùng mình tính toán một chút nhé. Thứ nhất, việc tiết giảm trần sẽ tiết kiệm cho bạn một khoản chi phí đáng kể. Thứ hai, bạn không đặt đơn lẻ một hai chiếc đèn, bạn đang trong một gói thi công nội thất, chi phí sản xuất đèn sẽ rẻ hơn khi đặt sản xuất riêng lẻ. Thứ ba, bạn có thể xác định sẵn nguồn đèn và tạm thời sắp đặt vài chiếc đèn chi phí thấp, qua quá trình sử dụng bạn có thể nâng cấp dần bằng những chiếc đèn có hình dáng thú vị, mà bạn vô tình bắt gặp sau một chuyến du lịch chẳng hạn, đó như một bộ sưu tập lưu giữ kỷ niệm của bạn. Thứ tư, bạn không nhất thiết phải đặt làm thủ công tất cả đèn, một số đèn có thể mua sẵn từ các đơn vị cung cấp đèn với kiểu dáng trang trí phù hợp với phong cách thiết kế bạn đang lựa chọn.


Bạn thấy rồi đấy, thiết kế có tính tùy biến cao thì bạn luôn chủ động trong việc kiểm soát chi phí một cách hợp lý. Vậy là giờ bạn hoàn toàn yên tâm rằng, những chiếc đèn bạn chọn sẽ mang một câu chuyện riêng để kể, một vai trò riêng khi chiếu sáng cho bạn vào những khoảng khắc bạn cần.


Đến đây, thì câu chuyện về những bí mật của ánh sáng cũng đã đến hồi kết. Mình nghĩ rằng ánh sáng vẫn sẽ còn những còn câu chuyện khác để kể cho bạn nghe, bởi lẽ, khi người kiến trúc sư còn làm việc với ánh sáng là sẽ còn những câu chuyện mới để kể; như người biên tập xây dựng câu chuyện cho một bộ phim bằng các ý tưởng lớp lang, những nhân vật được sắp đặt chính xác với từng vai trò cụ thể, để tạo dựng cảm xúc cho người xem. Với người kiến trúc sư, ánh sáng là một nhân vật quan trọng trong câu chuyện được xây dựng cho không gian nội thất, không chỉ là không gian vật chất để ở mà còn là không gian chứa đựng những cảm xúc tích cực mang đến cho người sử dụng.


Xin chào và hẹn gặp lại bạn trong những câu chuyện tiếp theo về những nhân vật khác trong nội thất.

69 lượt xem0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page